Nhân 231 năm ngày mất của Đại danh y Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác (1791 - 2022), Cổng thông tin điện tử Hương Sơn xin trích giới thiệu tới quý bạn đọc đôi nét về thân thế, sự nghiệp và các tác phẩm xuất sắc của Đại danh Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác.

Đại danh y Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác 

Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác là danh y nổi tiếng sống ở thế kỷ XVIII. Ông sinh năm 1720 trong một gia đình gồm 7 người con tại một làng quê thuần nông ở huyện Đường Hào, phủ Thượng Hồng, trấn Hải Dương nay là huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên. Ông là người con thứ 7 nên còn được gọi với tên là cậu Chiêu Bảy. Do dòng tộc vốn có truyền thống khoa bảng nên ngay từ nhỏ, Lê Hữu Trác đã sớm chăm chỉ đèn sách để kế nghiệp cha ông.

Năm Kỷ Mùi 1739, khi đang giữ chức Ngự Sử tước Bá trong triều đình, cha Lê Hữu Trác qua đời. Lúc này, ông phải rời kinh thành để về quê nhà vừa chăm nom gia đình vừa đèn sách mong nối nghiệp cha, tiến thân bằng con đường quan lộ.

Nổi tiếng thông minh, được theo cha học từ sớm nên Lê Hữu Trác uyên bác ở nhiều lĩnh vực. Nhưng thế kỷ XVIII là giai đoạn xã hội vô cùng rối ren khi các cuộc khởi nghĩa nổ ra khắp nơi.

Một năm sau khi cha mất, Lãn Ông nghiên cứu binh thư, võ nghệ nhằm tòng quân. Ít lâu sau, Lê Hữu Trác nhận ra, chiến tranh chỉ khiến con người thêm đau khổ, ông chán nản xuất ngũ trở về huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh với lý do chăm sóc mẹ già.

Sinh ra trong giai đoạn lịch sử đầy biến động, Hải Thượng Lãn Ông thấu hiểu nỗi cơ hàn của người dân khi vừa phải chịu nạn giặc, đói rét và bệnh tật. Sau khi rời quân ngũ (1746), Lãn Ông bị ốm nặng. Mặc dù đã được người nhà đưa đi chữa trị khắp nơi nhưng 2-3 năm liền không khỏi.

Không lâu sau đó, ông được người mách tìm đến thầy thuốc Trần Độc ở tỉnh Nghệ An để chữa trị trong suốt 1 năm. Đây cũng là khoảng thời gian mà Lê Hữu Trác bắt đầu “bén duyên” với nghề y, được thầy Trần Độc đem hết những hiểu biết về y học cổ truyền dạy lại cho ông.

Sau đó ông tiếp tục trở về quê mẹ huyện Hương Sơn, vừa học tập nghiên cứu vừa chữa bệnh cứu người. Thời bấy giờ, tên tuổi của Lê Hữu Trác nổi tiếng khắp vùng Hoan Châu, khi ấy người ta gọi ông là Hải Thượng Lãn Ông – ông lười Hải Thượng.

Năm 1782, Lãn Ông được triệu vào phủ Chúa Trịnh để chữa bệnh cho thế tử Trịnh Cán. Trong khoảng thời gian này, ông bị không ít ngự y ghen ghét đố kỵ nhưng không hề nảy sinh thù hận, chỉ cố gắng tập trung trị bệnh cho thế tử để mau chóng rời kinh thành.

Ít lâu sau đó, Chúa Trịnh qua đời, thế tử Trịnh Cán nối ngôi. Nhân lúc triều đình có người tiến cử thái y mới, Lê Hữu Trác viện cớ tuổi già lui về quê.

Sau nhiều năm tận tụy cống hiến cho nền y học dân tộc, Hải Thượng Lãn Ông đã nghiên cứu rất nhiều lý luận Trung y kinh điển. Đây là tiền đề cho các phương pháp chữa bệnh của ông, đồng thời làm giàu thêm hệ thống tinh hoa lý luận của Đông y, góp phần quan trọng vào sự phát triển của nền y học nước nhà.

Ông chính là người đúc kết tất cả các tinh hoa của y học cổ truyền Việt Nam và để lại nhiều tác phẩm có giá trị cho đến ngày nay. Nổi bật nhất là bộ sách Y tông tâm lĩnh và và Thượng Kinh Ký Sự.

Y tông tâm lĩnh bao gồm 28 tập và 66 quyển với đầy đủ các mặt về y học: Y lý, Y thuật, Y đức, Dược và Di dưỡng. Tác phẩm kế thừa quan điểm chữa bệnh của Thiền Sư Tuệ Tĩnh “Nam dược trị Nam nhân” với sự bổ sung hơn 300 vị thuốc Nam, thu thập hơn 2.854 bài thuốc lưu truyền trong dân gian.

Y tông tâm lĩnh được soạn thảo trong 10 năm, là sự kết tinh tài năng, kinh nghiệm và quan điểm chữa bệnh của Hải Thượng Lãn Ông. Trong đó, quyển Y dương án là tác phẩm kể lại các ca cứu chữa thành công cũng như một số nội dung tranh luận với thầy thuốc nước ngoài. Điều này giúp hậu thế hiểu rõ hơn về con người cũng như tài năng chữa bệnh của vị danh y dân tộc thế kỷ XVIII.

Khu mộ Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác

Bên cạnh Y tông tâm lĩnh với các nội dung xuất sắc về y học, Lê Hữu Trác còn thể hiện tài năng văn chương xuất sắc khi viết cuốn Thượng kinh ký sự dưới dạng nhật ký. Trong Thượng kinh ký sự viết bằng chữ Hán, ông đã ghi chép lại những sự kiện tại phủ Chúa khi được mời ra kinh thành chữa bệnh.

Đây được xem là tác phẩm văn học quý giá, có nhiều ý nghĩa lịch sử khi phần nào khái quát được bối cảnh, đời sống xa hoa trụy lạc tại phủ Chúa Trịnh những năm cuối thế kỷ XVIII.

Sau nhiều năm cống hiến cho ngành y, Hải Thượng Lãn Ông qua đời năm 1791 tại quê mẹ huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh ở tuổi 71. Phần mộ của ông hiện được xây dựng ở khe nước Cắn, dưới chân núi Minh Tự, thôn Hải Thượng, xã Sơn Trung và đền thờ tại thôn Bảo Thượng, xã Quang Diệm, huyện Hương Sơn. Quần thể di tích của Đại danh y Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác đã được công nhận là di tich lịch sử cấp Quốc gia và lễ Hội Hải Thượng được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia.

Lãnh đạo Bộ y tế dâng hương tại nhà thờ Đại danh y Lê Hữu Trác

Lãnh đạo và can bộ nhân viên ngành y tế Hương Sơn dâng hương tại khu mộ Đại danh y Lê Hữu Trác

 

 Đã thành thông lệ, hàng năm, đúng ngày rằm tháng Giêng - ngày mất của Đại danh y Hải Thượng Lãn Ông, nhân dân khắp nơi cùng những người công tác trong nghề Y lại tề tựu về Quần thể Di tích lịch sử Đại danh y để tham dự Lễ hội Hải Thượng và tưởng nhớ công lao to lớn của ông đối với nền y học, văn hóa nước nhà.

Trong suốt những năm qua, phần mộ và đền thờ Hải Thượng Lãn Ông đã trở thành điểm du lịch tâm linh, là nơi cầu may mắn, sức khỏe, thành công mỗi dịp đầu năm. Điều làm nên sức hấp dẫn của khu di tích không chỉ là cảnh quan sông núi hữu tình mà còn là nơi giúp hậu thế dõi theo, học tập tấm gương y đức của ông.

Hải Thượng Lãn Ông là đại danh y của nền y học dân tộc, ông là niềm tự hào của cả dân tộc Việt Nam. Tuy đã sống cách đây gần 3 thế kỷ nhưng những tư tưởng, quan điểm chữa bệnh tiến bộ của ông vẫn là kim chỉ nam cho các thầy thuốc thế hệ sau, là tấm gương sáng cho mọi người học tập noi theo.

 

 

 

 

VH Huyện


Đánh giá:

lượt đánh giá: , trung bình:



 Bình luận


Mã xác thực không đúng.
    NTM
    Bản đồ hành chính
     Liên kết website
    Thống kê: 246.139
    Online: 3