I. ĐIỀU KIỆN TỰ NHIÊN

          1. Vị trí địa lý:

          Xã An Hòa Thịnh là một xã nông nghiệp được sáp nhập vào năm 2020 bởi 3 xã Sơn An, Sơn Hòa và Sơn Thịnh theo Nghị quyết số 819/NQ-UBTVQH14, ngày 21 tháng 11 năm 2019 của Ủy Ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã thuộc tỉnh Hà Tĩnh. Ngay sau sáp nhập, cùng với bộ máy nhân sự cấp ủy, chính quyền mới được tinh lọc, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, đặc biệt là tinh thần đoàn kết trong Đảng, trong Nhân dân tiếp tục được phát huy đã góp phần lớn cho sự thành công của cả nhiệm kỳ.

        Là xã vùng II của huyện Hương Sơn, xã An Hòa Thịnh có tổng diện tích tự nhiên 14,04 km2, có 6.233 nhân khẩu. Phía Bắc giáp xã Sơn Tiến và tỉnh Nghệ An, Phía Nam giáp xã Sơn Ninh, Phía Tây giáp xã Sơn Lễ, Phía Đông giáp xã Tân Mỹ Hà.

        2. Điều kiện khí hậu

        Là xã nằm trong tiểu vùng khí hậu nhiệt đới gió mùa Bắc Trung bộ lại bị chi phối bởi yếu tố địa hình (nằm ở sườn Đông dãy Trường Sơn) nên Sơn Thịnh có khí hậu phân hóa phức tạp. Mỗi năm có hai mùa rõ rệt:

       Mùa nóng: kéo dài từ tháng 4 đến tháng 9, nhiệt độ trung bình khoảng 300 - 350C. Về mùa này, Sơn Thịnh chịu ảnh hưởng của gió phơn Tây Nam (gọi là gió Lào) khô nóng. Gió thường hoạt động từ tháng 5 đến tháng 9, mạnh nhất là vào các tháng 6, 7, 8 với cường độ thổi từ 11 - 14 giờ trong ngày, gây khô nóng, ảnh hưởng lớn đến sản xuất. Trong nhân dân vẫn còn lưu truyền câu ca: “Lúa trổ lập hạ, buồn bã cả làng” hay “Ba ngày gió nam, mùa màng mất trắng”. Tuy nhiên, vào cuối mùa nắng, khí hậu có sự thay đổi khá rõ: từ cuối tháng 7 đến đầu tháng 10 mưa bão thường xuyên xảy ra, gây ngập lụt nhiều nơi. Lượng mưa trung bình của địa phương trong mùa này chiếm 80 - 90%, lượng mưa cả năm đạt từ 1.300 - 2.300 mm.

        Mùa lạnh: kéo dài từ tháng 10 đến tháng 3 năm sau. Vào mùa này, gió mùa Đông Bắc tràn về làm cho nhiệt độ nhanh chóng giảm xuống. Rét nhất là tháng Chạp (tháng 12) và tháng Giêng (tháng 1), nhiệt độ có khi xuống dưới 100C. Trong mùa này thường xuất hiện sương mù dày đặc vào các ngày chuyển tiếp từ lạnh sang nắng ráo. Đặc điểm khí hậu này đã gây ảnh hưởng nhiều đến sản xuất và sinh hoạt.

        II. TÍN NGƯỠNG

        Thờ cúng Tổ tiên, ông bà, cha mẹ: đây là nét đẹp văn hóa trong cộng đồng dân cư Việt Nam nói chung, An Hòa Thịnh nói riêng, thể hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, “ăn quả nhớ kẻ trồng cây” đã tồn tại từ ngàn đời nay.

        Thờ gia thần: Cùng với việc thờ cúng tổ tiên, ông bà, cha mẹ, trong các gia đình người ta còn thờ các thần linh cai quản các gia đình như: thần Bếp (Táo Quân) thần giữ đất vườn (Thổ Công), thần giữ cổng (Môn gia hộ úy), thần bảo vệ sức khỏe cho người và súc vật (Nhân súc Y Thần) để cầu được an khang, thịnh vượng.

        Thờ Thần và Thành Hoàng: ở An Hòa Thịnh còn có tục thờ thần và Thành Hoàng làng là những người có công khai phá, giúp đỡ phù hộ cho làng được “nhân yên vật thịnh”. Ở đây có các ngôi Đền như Đền Bạch Vân, Đền Đức Mẹ (Liễu Hạnh công chúa), Đền Gôi Vị (Còn gọi là Đền Tiết Phụ), Đền Xuân Lưu, Đền Tiên Đạt, Đền Song đồng ngọc nữ, Đền Ông cồ,...

        III. SINH HOẠT VĂN HÓA

        Vào những dịp lễ tết, dân An Hòa Thịnh thường tổ chức hát vè, hát ví, hò đối đáp, đánh cờ thẻ, cờ người, đua thuyền, cướp cù, đu dây, đấu vật, chọi gà, kéo co. Sau này, các hoạt động được xã tổ chức thêm vào ngày Quốc khánh 2/9. Tiêu biểu cho sinh hoạt văn hóa ở An Hòa Thịnh là hội chợ tết. Hội chợ này trước đây được tổ chức mỗi năm một phiên vào ngày 19 và 20 tháng Chạp (âm lịch) tại chợ Bè. Trên bãi mé sông Ngàn Phố, lần lượt từng dãy lều, quán mọc lên. Cuối bãi dựng một sân khấu lớn, trang trí đẹp mắt… Ngày 17, mọi việc hoàn tất, bắt đầu có người xa về đi chợ đến sáng 18 thì chợ bắt đầu đông. Những chuyến hàng từ Vinh, Nghi Xuân, Đức Thọ, Can Lộc đến, từ Hương Khê xuống, từ Nam Đàn sang và cả từ Quảng Bình theo xe lửa ra. Sáng tinh mơ ngày 19, mọi quầy hàng đâu đã vào đó.

        Chợ chỉ họp hai ngày vào dịp gần tết nên có rất nhiều người tham gia. Tuy nhiên, cái làm nên đặc sắc của phiên chợ này không phải chỉ ở hoạt động kinh tế mà ở giá trị tinh thần vì đây là dịp mọi người đi chơi, thưởng thức hương vị tết. Từ sáng sớm ngày 19, trong các xóm, làng náo nhiệt hẳn lên; trên các ngã đường từ Kẻ Trảy, Kẻ Trùa, Kẻ Rái, Kẻ E, Văn Giang, Thịnh Xá, Yên Bài, Phúc Nghĩa… ông già, bà lão, trai thanh gái lịch, vợ chồng, con cái đều quần áo đẹp ô dù, nón mũ, dép guốc sang trọng kéo nhau ra chợ để mua sắm và dạo chơi đánh cờ, đánh bài… mua vui. Có người sà vào quán rượu, cùng bạn bầu xa gần gặp gỡ. Đám trẻ con chạy tới chạy lui nhưng nấn ná lâu nhất ở các hàng kẹo lạc, kẹo cục múc (kẹo bột), đồ chơi dân dã: con “gục gặc”, người “nhảy dây” cái kèn đất, voi ngựa bột… đám trai gái thì dắt nhau đi coi hàng, trò chuyện riêng tư...  

        Hàng năm, nơi đây cũng tổ chức lễ tế Thành hoàng làng. Gắn với nghi lễ này là tục rước kiệu. Ngày 15 tháng Giêng hàng năm, các làng tổ chức rước Thành hoàng làng tại Đình chợ Gôi. Đây là lễ hội lớn nhất của một vùng quê, là dịp để các làng thi đua kiệu đẹp, cờ đẹp, rước trang nghiêm, chỉnh tề.

        Xã có Chợ Gôi nằm ở thôn Đông Vực, là chợ truyên thống được hình thành từ xa xưa gắn với truyền thống văn hóa và phục vụ nhu cầu giao thương, trao đổi kinh tế, văn hóa của vùng hạ huyện Hương Sơn. Chợ Gôi có nét đặc trưng riêng của chợ quê, có đặc sản dê thui Hương Sơn, thịt nghé, kẹo cu đơ, bánh đúc, bánh đa,... Đặc biệt, Chợ Goi có phiên chợ lịch sử là “Chợ Trâu, ngày 19 tháng Chạp hàng năm” đã đi vào tiềm thức thế hệ con em Hương Sơn từ bao đời nay.

        IV. HỌC HÀNH, KHOA BẢNG

        Trải qua nhiều thế kỷ tồn tại và phát triển mãnh đất nơi đây đã sản sinh ra những con người ưu tú làm rạng danh đất nước, quê hương như Tiến sỹ Nguyễn Tử Trọng, Lê Mậu Tài, Đinh Nho Công, Đinh Nho Hoàn, Đinh Nho Điển, Hoàng giáp Nguyễn Khắc Niêm, Nguyễn Xuân Đản....; Hương Công có ông Hà Huy Quang, Đinh Nho Côn, Trần Quý Diễn, Trần Tống Lý,...; Cử nhân có ông Hà Học Hải, Trần Văn Thanh, Trần Văn Thịnh, Lê Văn Đàm, Nguyễn Trí Phong, Nguyễn Xuân Lạc,....; Tú tài có ông Lê Khắc Thiền, Lê Kinh Duệ,...

        An Hòa Thịnh cũng là vùng đất có truyền thống yêu nước, anh dũng trong đấu tranh cách mạng, cần cù, sáng tạo trong lao động, sản xuất, tình nghĩa chan hòa trong cuộc sống.

        Giáo dân và các tổ chức tôn giáo luôn tin tưởng vào đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước và các quy định của địa phương.

Trụ sở làm việc của UBND xã An Hòa Thịnh ngày nay

 

                                                                                                                                                               Ban Văn hóa

NTM
Bản đồ hành chính
 Liên kết website
Thống kê: 245.794
Online: 41